Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để không lệ thuộc vào Nga?

Ngày 1/1, BBC Tiếng Việt có bài: “Quân đội Việt Nam hiện đại hóa: Dần rời xa vòng tay Nga?”.

Theo đó, BBC trích dẫn GlobalData – một nhà cung cấp thông tin tình báo về mua sắm quân sự, cho biết, Việt Nam là một trong 20 quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, với ngân sách nhập khẩu vũ khí hằng năm khoảng 1 tỷ USD và dự kiến sẽ còn tăng lên.

Phần lớn số tiền đó trước đây đã được chuyển cho Nga – quốc gia trong nhiều thập niên là nhà cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ chính của Việt Nam.

BBC cho hay, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moscow chiếm hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Hà Nội trong giai đoạn 1995-2023.

Nhưng con số này đã giảm trong những năm gần đây, khi Nga không thể cung cấp cho Việt Nam những vũ khí khí tài tiên tiến, cũng như đối mặt với lệnh cấm vận từ phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine.

Điều này càng đẩy nhanh việc Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung, vốn đã bắt đầu trước cả khi Nga đánh Ukraine, chuyển hướng sang mua thiết bị quân sự từ những nhà cung cấp mới, bao gồm Mỹ, Israel, Hà Lan, Hàn Quốc… cũng như tăng cường tự sản xuất vũ khí.

Theo các chuyên gia, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội là minh chứng mới nhất cho việc Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung, giảm dần phụ thuộc Nga.

Theo BBC, trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam các tàu ngầm lớp Kilo, khinh hạm lớp Gepard, tàu hộ tống Tarantul, tàu tuần tra bờ biển Svetlyak, phi cơ Sukhoi Su-30MK2 và xe tăng chiến trường T-90S/SK.

Lần Việt Nam mua vũ khí lớn từ Nga cuối cùng được công khai là 64 xe tăng T-90 vào năm 2016.

BBC dẫn lời Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng, ảnh hưởng về quân sự, chiến lược, kinh tế, ngoại giao của Nga đang suy giảm tại Việt Nam và “thực tế là Moscow biết rõ điều đó”.

“Nga thực sự nhìn nhận vấn đề này theo góc nhìn về cách họ sẽ ứng xử với Trung Quốc và phản ứng với Mỹ. Và khi họ bán hay trưng bày vũ khí ở Việt Nam, thì có khả năng đó là là loại vũ khí về mặt lý thuyết có thể được sử dụng để chống lại Mỹ, nhưng cũng có thể dễ dàng được sử dụng để chống lại Trung Quốc trong trường hợp có xung đột với Việt Nam, đặc biệt là vũ khí chống tăng trên bộ”, ông Sacks đánh giá.

Mặt khác, Tiến sĩ Benjamin J. Sacks nhận xét rằng, việc các quan chức quân sự, ngoại giao cấp cao của Mỹ phát biểu tại triển lãm đã gửi đi những tín hiệu rất mạnh mẽ rằng “Mỹ nghiêm túc, cam kết và tham gia, và Việt Nam sẵn sàng lắng nghe”.

Theo ông, Việt Nam đang phòng ngừa rủi ro và vẫn tìm cách cân bằng, không chỉ để thể hiện sự trung lập, mà Hà Nội còn nghiêm túc về mối quan hệ với Washington.

Vẫn theo BBC, tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Trung Quốc lần đầu tiên góp mặt, sau khi từ chối lời mời tham dự vào năm 2022.

Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng, Bắc Kinh muốn chứng minh với Hà Nội rằng họ sẵn sàng trở thành đối tác tích cực, nhưng đồng thời cũng muốn gửi một tín hiệu ra bên ngoài tới Nga, và đặc biệt là Mỹ, Úc và các đồng minh như Pháp, để chứng minh rằng Trung Quốc nghiêm túc và họ sẽ không từ bỏ lập trường của mình đối với Biển Đông.

BBC cho biết, theo các chuyên gia, Việt Nam được cho là một mặt sẽ tiếp tục giữ quan hệ truyền thống với Nga, mặt khác vẫn tiếp tục tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời dần dần xây dựng và hoàn hiện ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.

Kể từ năm 2022, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với một loạt các quốc gia, bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Và trong mỗi tuyên bố chung của những lần nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này, đều có một phần về hợp tác quốc phòng, cơ sở để Việt Nam bắt đầu tìm hiểu việc mua vũ khí và công nghệ từ các nước này.

 

Quang Minh – thoibao.de