Lỡ “dại” đâm đơn nhưng không thể rút, Tòa chưa xử, Mr. Đàm đã thua?

Vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đâm đơn kiện tỷ phú công nghệ Gerard Williams, là đề tài gây xôn xao trong giới showbiz Việt, trong hơn một tháng qua.

Một ca sĩ có lượng fan hâm mộ lớn, trong đó, có rất đông fan cuồng không phân biệt phải trái. Vì thế, hành vi lệch lạc của “thần tượng”, sẽ dẫn dắt đám đông fan cuồng kia theo, khiến họ lệch khỏi các chuẩn mực về đạo đức thông thường.

Hiện nay, cuộc chiến pháp lý đang diễn ra, dù tòa vẫn chưa xử, nhưng xem ra, ca sĩ họ Đàm đã mất nhiều hơn được.

Ở Mỹ, tư pháp là độc lập, không chịu sự chi phối của Chính phủ hay Quốc hội, vì vậy, rất khó để bẻ cong cán cân công lý, một khi bằng chứng đã rành rành. Video clip nam ca sĩ nghịch dại, rồi tự gây tai nạn cho bản thân, sau khi được tung lên mạng, thì lập tức, “tòa án” đại chúng đã kết tội ai đúng ai sai. Với bằng chứng này, không ai có thể bênh vực được ca sĩ.

Sau khi clip nói trên được tung ra, ngày 4/12, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã thông báo rút đơn kiện tỷ phú Gerard Richard Williams. Nam ca sĩ nói với báo giới:

“Tôi và ông Gerard đã ngồi xuống đối thoại, cùng đi đến quyết định rút đơn kiện và cam kết không tái kiện.”

Tuy nhiên, phía bị đơn lại không xác nhận thông tin trên. Đáng chú ý là, bị đơn cũng đã đâm đơn kiện ngược lại ca sĩ, đòi được xin lỗi công khai và bồi thường 1 đô la tượng trưng, nếu họ thắng kiện. Điều vị tỷ phú cần là danh dự, chứ không phải là tiền.

Nếu chấp nhận đàm phán, hòa giải với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, thì coi như vị tỷ phú tự đánh mất danh dự của ông, chỉ vì lỗi của người khác.

Theo diễn biến mới nhất vụ kiện, Tòa Thượng thẩm bang California (Mỹ) đã bác đơn xin rút đơn kiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Vụ kiện được phục hồi và tiếp tục quy trình của pháp luật. Việc rút đơn kiện thất bại, xem ra, là chỉ dấu cho một thất bại được báo trước của ca sĩ. Bởi lẽ, nếu ca sĩ được rút đơn kiện, thì đơn kiện phản tố của tỷ phú Gerard Williams sẽ mặc định là không có hiệu lực.

Xem ra, Đàm Vĩnh Hưng tỏ ra “khôn” lỏi, nhưng lại không thể qua mặt được tòa án Mỹ.

Lỗi ai làm thì người ấy chịu, đặc biệt là người có đầy đủ tư cách để chịu trách nhiệm về hành vi của mình, như Đàm Vĩnh Hưng. Dù là với nền công lý nào đi chăng nữa, thì việc nghịch dại, tự gây tai nạn cho bản thân, rồi bắt người khác phải chịu trách nhiệm, đều là vô lý. Hành vi của nam ca sĩ họ Đàm là tự “kết án” chính mình, trước công chúng và khán giả. Không ít khán giả đã và sẽ quay lưng, vì đạo đức của ca sĩ này.

Một khi đã kiện tụng, nếu thua, thì không những tổn hại về thời gian, sức lực, trí lực, và cả danh tiếng, mà còn tổn hại về tiền bạc. Lỡ đâm đơn kiện, xem như, nam ca sĩ đã thọc 2 chân xuống đầm lầy, không thể rút ra được, càng cựa quậy thì càng lún sâu.

Đất Mỹ là nơi sính kiện cáo, dân Mỹ thích kéo nhau ra tòa để phân giải tranh chấp. Tuy nhiên, khi người Mỹ đi kiện, họ rất thận trọng, nhất là với những vụ kiện đòi những khoản bồi thường lớn. Trước khi chính thức nộp đơn lên tòa, người kiện phải tư vấn luật sư, phải tự tìm hiểu kỹ vấn đề, để xác định lợi – hại của vụ kiện. Không thể có chuyện tự gây tai nạn rồi đòi người khác bồi thường. Nếu kiện bừa, có khi thiệt hại không phải là bị đơn, mà là chính nguyên đơn.

Nếu tự nghịch dại rồi kiện người khác mà được tiền bộ thường khổng lồ thì chắn dân Mỹ ai cũng là triệu phú nhờ kiện cáo rồi.

Để cho tham sân si dẫn đường, ắt sẽ dẫn đến sự khó khăn, hơn là dẫn vào quang lộ. Xem ra, Đàm Vĩnh Hưng khó thoát được cái bẫy tham sân si do chính mình bày ra.

 

Trần Chương – Thoibao.de