Câu chuyện nghi can Cao Văn Hùng, 51 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, bị cơ quan công an khởi tố, và tạm giam để điều tra về tội giết người, đã làm công luận rúng động.
Vào đêm 18/12, ông Hùng đến quán cà phê tại Quận Bắc Từ Liêm, và xảy ra mâu thuẫn với một nhóm khách. Sau khi bị đánh, ông Hùng đã mua xăng quay lại quán, đổ vào khu vực để xe máy và châm lửa đốt, gây ra vụ hỏa hoạn khiến 11 người tử vong.
Đây là một hành động phi nhân tính, một vụ cố ý giết người được chuẩn bị sẵn. Điều này cho thấy, tình trạng người Việt Nam hiện nay sẵn sàng sử dụng bạo lực với những người đồng bào của mình bất kể lý do.
Theo giới quan sát, tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, tình trạng bạo lực gây chết người là vấn đề nghiêm trọng, đã xuất hiện ở mức báo động, với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trên mạng xã hội của người Việt, đa số các ý kiến đều có chung đánh giá, tình trạng bạo lực nhan nhản, hiện hữu ở mọi nơi, mọi chốn, dường như không có dấu hiệu thuyên giảm. Đáng quan ngại hơn là các lực lượng chức năng đã tỏ ra bất lực. Cho dù, mật độ quản lý trung bình của một công an Việt Nam chỉ khoảng 8 người dân.
Một câu hỏi đặt ra, nguyên nhân của tình trạng tàn ác, bạo lực, vô nhân tính của một bộ phận không nhỏ người Việt xuất phát từ đâu? Ngành Công an phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Đa số các ý kiến đều thấy rằng, vấn đề thiếu tình thương và mất niềm tin là nguyên nhân chính, từ đó dẫn đến tình trạng con người trong xã hội ở Việt Nam sẵn sàng sử dụng hành vi thô bạo hay bạo lực.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, cứ nhìn xem thái độ mang tính trả thù của nhà nước. Cụ thể là của Đại tướng Công an Tô Lâm với những người dám “giỡn mặt” đối với ngành Công an trong thời gian những năm gần đây sẽ thấy rõ.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, “mọi sự xúc phạm, phê phán, làm mất mặt ngành công an, cũng như uy tín của lực lượng này trong xã hội sẽ đều phải bị trả giá đắt”.
Cụ thể như các vụ việc:
Cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm; Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng;
Cụ Lê Tùng Vân của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ;
Hay như chuyện Đại úy Công an Lê Chí Thành, họ đều phải trả giá đắt. Trong khi các nạn nhân kể trên đều thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, đã được Hiến pháp, luật pháp nhà nước thừa nhận.
Điều đáng nói, Công an Việt Nam đã đưa ra các cáo buộc bôi nhọ thanh danh với các nạn nhân, như “chống nhà nước” có tổ chức đối với trường hợp cụ Lê Đình Kình; “loạn luân” với cụ Lê Tùng Vân ở Thiền Am; hay “cưỡng đoạt tài sản” đối với cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng…
Công luận thấy rằng, một chính quyền chính danh, và là một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, thì không được phép sử dụng những chiêu trò “gắp lửa bỏ tay người”, để bịa đặt và vu không như vừa kể.
Ở những quốc gia văn minh, người dân thật sự làm chủ đất nước, lực lượng công an được giao phó trách nhiệm giữ gìn trật tự trị an. Nhưng họ cũng như các cơ quan nhà nước khác phải chịu sự giám sát, và phán xét của người dân khi thực hiện trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, tại Việt Nam – một quốc gia vẫn đang duy trì chế độ cai trị độc tài công an trị, người dân lại bị tước đoạt hoàn toàn quyền làm chủ đất nước. Đây là lý do, lực lượng Công an đang thực sự là những ông vua cai quản đất nước. Do đó, chỉ có vua mới không bao giờ tha thứ cho sự “phạm thượng” của dân chúng, bất kể đúng hay sai?
Công luận thấy rằng, vụ nổ súng ở Đắk Lắk vào tháng 6/2023, dẫn tới nhiều người thiệt mạng. Mà nguyên nhân sâu xa của vụ việc, được cho là do mâu thuẫn âm ỉ từ lâu giữa các sắc tộc ở Tây Nguyên và chính quyền không được giải quyết tận gốc, trên cơ sở luật pháp của quốc gia.
Trà My – Thoibao.de