Đại dịch Covid-19 là giai đoạn lịch sử kinh hoàng đối với người dân Việt Nam.
Giữa lúc người dân bị phong toả, không làm ra tiền, thì các tổ chức thuộc chính quyền và các sân sau của quan chức thi nhau trục lợi. Trong đó, nổi bật nhất là vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu.
Trong vụ chuyến bay giải cứu, từ Bộ Giao thông Vận tải, đến Bộ Ngoại giao và các doanh nghiệp thân hữu, đã nhẫn tâm “chặt chém” những người đang gặp khó khăn nơi đất khách, một cách không thương tiếc. Vụ Việt Á còn kinh khủng hơn, những kẻ trục lợi bất chấp nguy cơ lây lan bệnh tật, bắt dân “ngoáy mũi”, để trấn lột cho bằng được những đồng tiền còm cõi trong túi dân. Dù vụ này đã đưa ra xét xử, nhưng “trùm cuối” vẫn nhởn nhơ.
Trong thời gian đại dịch, ngoài những kẻ thuộc giới quan chức vô sỉ, thì giới gian thương cũng thừa nước đục thả câu. Đáng chú ý nhất, là hệ thống Bách Hóa Xanh của ông Nguyễn Đức Tài. Nhân lúc người dân khốn đốn, hệ thống này đã nâng giá thực phẩm lên rất cao, để kiếm lời. Đây là một hình thức kinh doanh theo kiểu “bắt chẹt” thiếu tình người, khiến dư luận xã hội bất bình. Ngay cả báo chí nhà nước cũng đăng các bài lên tiếng vấn đề này.
Lợi dụng lúc người dân rơi vào thế đường cùng để kiếm chác, là một tội ác, chứ không chỉ thiếu đạo đức kinh doanh. Nói theo nhà Phật, ông chủ Bách Hóa Xanh đã “tạo nghiệp” rất nặng.
Trước sự chỉ trích từ người tiêu dùng và báo giới, Bách Hóa Xanh bao biện rằng, họ không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời. Nhưng cũng không thể đảm bảo 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch, nhất là với một số mặt hàng tươi sống. Vấn đề là, chữ “nhưng” ấy chính là sự bao biện cho hành vi thiếu đạo đức nói trên.
Mới đây, Cơ quan Điều tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện một cơ sở sản xuất tuồn ra thị trường gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hóa chất. Đáng chú ý, cơ sở này khai, đã cung cấp hàng trăm ki lô gam giá đỗ mỗi ngày cho hệ thống Bách Hóa Xanh.
Lâu nay, Bách Hóa Xanh được đánh giá là chuỗi cửa hàng có thương hiệu. Vì cái gọi là “thương hiệu” này, không ít khách hàng bỏ chợ truyền thống để vào siêu thị mua hàng, nhằm đảm bảo an toàn hơn. Người dân chỉ biết dựa vào thương hiệu để gửi gắm lòng tin. Tuy nhiên, họ đã gửi nhầm niềm tin vào một thương hiệu thiếu trách nhiệm.
Thông thường, hàng càng nhiều hóa chất thì càng rẻ, càng ít hóa chất thì càng đắt, bởi ít hóa chất là tiệm cận với “rau sạch”. Một hệ thống bán lẻ có thương hiệu như Bách Hóa Xanh, cần có trách nhiệm để đảm bảo cho sự tin tưởng của khách hàng. Tuy nhiên, họ đã nhẫn tâm lừa đảo khách hàng.
Vụ tăng giá tại thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19 cho thấy, người lãnh đạo của chuỗi cửa hàng này không có đạo đức kinh doanh. Từ đấy, có lẽ, khách hàng nên quay lưng với thương hiệu này. Bởi với một doanh nghiệp thiếu đạo đức, họ luôn sẵn sàng lừa khách hàng để kiếm lời, và vụ giá đỗ này là một ví dụ.
Rất có thể, sau khi bị lộ, lãnh đạo chuỗi siêu thị này sẽ đổ lỗi cho những lý do ất ơ nào đó, tuy nhiên, hàng hoá do họ bán ra, thì họ phải chịu trách nhiệm. Bất kể sản phẩm ấy do ai trộn hóa chất, nhưng người bán phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đầu vào.
Một thương hiệu có bền hay không, phụ thuộc rất lớn vào đạo đức và trách nhiệm của lãnh đạo. Khách hàng là thượng đế, nghĩa là, khách hàng có quyền chọn ủng hộ hay quay lưng với thương hiệu. Liệu có nên tiếp tục ủng hộ thương hiệu hay không, khi người tiêu dùng phải bỏ tiền mua hàng bẩn, bằng giá hàng sạch?
Xã hội Việt Nam vốn “bẩn” từ thượng tầng chính trị. Với bộ máy chính trị dơ bẩn, người dân không làm gì được. Tuy nhiên, với doanh nghiệp bẩn, thì khách hàng có quyền chọn ủng hộ hay tẩy chay.
Hoàng Phúc – Thoibao.de