Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ sáng 21/12, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho hay, việc tinh gọn bộ máy lần này sẽ ảnh hưởng “khá đông, có thể là đông nhất từ trước đến nay”, với khoảng 100.000 cán bộ, công chức.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, các cơ quan Trung ương phải gương mẫu làm trước. Đồng thời, tất cả các bộ, địa phương phải tinh gọn từ bên trong, và tối thiểu phải giảm 15 – 20%. Cá biệt hơn có đơn vị yêu cầu phải giảm 40%.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Việt Nam, tính đến hết năm 2022, tổng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước là gần 2 triệu người, bao gồm hơn 250 ngàn công chức và hơn 1 triệu 7 viên chức.
Tuy nhiên, theo số liệu của Đại học Fulbright Việt Nam, con số ước tính lên tới khoảng 11 triệu người, bao gồm cả nhân sự của cấp xã, các hội đoàn, và tổ chức được Nhà nước bao cấp.
Đáng chú ý, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, ở Việt Nam, trung bình từ 9 đến 10 người dân phải nuôi một người hưởng lương từ ngân sách. Trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 1/170, ở Nga 1/200, ở Mỹ 1/400, và ở Nhật Bản là 1/700.
Những số liệu này cho thấy gánh nặng ngân sách đối với việc chi trả lương, và phụ cấp cho số lượng lớn nhân sự trong khu vực công, vượt xa số liệu của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đưa ra, đồng thời, xem nhẹ các yêu cầu về việc tinh giản biên chế, và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Những nhận xét của Phó Thủ tướng Bình như vừa kể, liệu có liên quan gì đến các đánh giá của giới phân tích khi cho rằng, nỗ lực tinh gọn bộ máy nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm đã và đang gặp nhiều khó khăn, do sự phản đối từ các nhóm lợi ích, và dẫn đến sự thiếu sự đồng thuận trong nội bộ Đảng hay không?
Theo giới thạo tin, một số đông quan chức cấp cao vẫn nghi ngờ, liệu nỗ lực tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị của ông Tô Lâm có thành công hay không? Thậm chí, hầu hết quan chức đều không ủng hộ chính sách này do động chạm đến quyền lợi và quyền lực của họ.
Hơn thế nữa, truyền thông quốc tế cũng đánh giá ông Tô Lâm có tham vọng lớn, nhưng việc triển khai các chính sách cải cách đang bế tắc do gặp trở ngại từ chính bộ máy Đảng và Nhà nước do ông lãnh đạo.
Theo giới chuyên gia, việc tinh giản bộ máy nhà nước ở Việt Nam đang được triển khai với mục tiêu giảm từ 15% đến 20% số lượng biên chế hiện có. Như vậy, việc giảm 15 – 20% sẽ tương đương với khoảng 300.000 đến 400.000 nhân sự. Tức là cao gấp từ 3 đến 4 lần con số của ông Nguyễn Hòa Bình đưa ra.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tinh gọn bộ máy, và coi đây là nhiệm vụ cấp bách để giảm chi ngân sách, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Ông Tô Lâm đã đặt mục tiêu hoàn thành việc này vào quý 1/2025.
Tuy nhiên, việc thực hiện tinh giản biên chế hiện nay đang gặp nhiều thách thức, bao gồm sự phản đối từ những người bị ảnh hưởng và nguy cơ mất việc làm. Cũng như sự lo lắng của công chức, viên chức trước nguy cơ mất việc, và những vấn đề cần giải quyết để đảm bảo cuộc sống của họ, và gia đình được ổn định và bền vững.
Công luận đã đặt câu hỏi nghi ngờ về phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình. Điều đó có liên quan gì đến vấn đề mở đường cho sự điều chỉnh và rút gọn mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư hay không?
Phải chăng đến thời điểm hiện nay dường như Tổng Bí thư đã nhận thấy, việc tinh gọn bộ máy là chuyện không đơn giản?
Trà My – Thoibao.de